Saturday, August 18, 2012

Cách nhìn nhận kết quả đối đầu trực tiếp

Cách nhìn nhận kết quả đối đầu trực tiếp


Trong một bài bình luận cách nay không lâu, cựu danh thủ Ireland Tony Cascarino có đề cập đến một kinh nghiệm bản thân mà theo anh thì hầu hết những cầu thủ nhà nghề khác đều chia sẻ


Trong một bài bình luận cách nay không lâu, cựu danh thủ Ireland Tony Cascarino có đề cập đến một kinh nghiệm bản thân mà theo anh thì hầu hết những cầu thủ nhà nghề khác đều chia sẻ



Có những thất bại chắc chắn sẽ đeo bám cầu thủ đến cuối sự nghiệp, sẽ là nỗi ám ảnh thường trực bất kể đấy là kỷ niệm vừa xảy ra trong mùa bóng trước hay 10 năm trước. Ngược lại, cũng có những thành công ngoài mong đợi luôn tái hiện trong ký ức cầu thủ khi kỷ niệm đẹp được gợi lại. Cascarino đang nói đến đề tài đối đầu trực tiếp trong bóng đá. Không phải vô cớ mà các chương trình hoặc chuyên mục dự đoán trên báo chí luôn nhắc đến kết quả đối đầu trực tiếp khi dự đoán trước các đợt trận trong bóng đá châu Âu.

Ngay khi thăng hạng lần đầu (trong mùa bóng 2001-2002), Bolton đã thắng M.U lừng danh ngay tại sân Old Trafford và khi đôi bên tái ngộ, cũng tại Old Trafford ở mùa bóng kế tiếp, Bolton lại thắng. Đấy là trận thua duy nhất trên sân nhà của M.U trong mùa bóng mà họ vô địch, còn Bolton thì đứng ngay trên lằn ranh rớt hạng. Trong khi Alex Ferguson thừa nhận các cầu thủ của ông có vấn đề về tâm lý khi tái ngộ Bolton ở sân nhà thì đồng nghiệp của ông ở Bolton là Sam Allardyce lý giải cụ thể hơn: “M.U hơn Bolton về mọi mặt. Nhưng chúng tôi đã thắng họ và tự tin một cách khó hiểu. Chúng tôi khao khát gặp lại M.U, ngay tại Old Trafford chứ không phải SVĐ nào khác”.

Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ nói lên ý nghĩa của những lần đối đầu trực tiếp trong quá khứ, thường là ý nghĩa tinh thần. Không chỉ là kết quả gặp nhau giữa các đội bóng, kinh nghiệm được Cascarino nêu ra còn giúp ta hiểu rõ hơn vì sao có những tiền đạo xuất sắc luôn chơi dưới sức khi đối đầu với một hậu vệ xoàng xĩnh nào đó, hoặc một cầu thủ luôn ghi bàn vào lưới một đối thủ cụ thể, ngay cả khi anh ta không ở phong độ tốt. Khi Michael Owen gia nhập Newcastle, có người bình luận vui trên Internet: dĩ nhiên Newcastle là CLB mà Owen thích nhất. Trong 11 lần làm khách trên sân St James’ Park của Newcastle, Owen ghi đến 14 bàn. Đấy là hiệu suất ghi bàn vào loại KLTG!

Dĩ nhiên, yêu cầu đối với một người dự đoán khi phân tích kết quả đối đầu trực tiếp là phải nhìn ra ý nghĩa thật sự của thông số đối đầu. Chẳng hạn, người ta thường nêu lên kết quả đối đầu trực tiếp giữa Inter và AC Milan, đại khái mỗi bên thắng bao nhiêu trong hàng trăm lần gặp nhau từ xưa đến nay, mà không thấy rằng đấy là thống kê vô nghĩa (nếu không muốn nói là có chút gì đấy khoa trương). Kết quả gặp nhau trong vài trận gần nhất dĩ nhiên có ý nghĩa hơn, nhưng không phải tuyệt đối. Khi đưa ra con số thống kê rằng Chelsea chưa hề thắng Arsenal ở đấu trường trong nước suốt 10 năm nay (trước trận Chelsea – Arsenal ở Premiership vừa qua), người ta đã không lưu ý chi tiết quan trọng: lực lượng Chelsea đã thay đổi rất nhiều trong 2 năm nay và kết quả đối đầu trực tiếp ở Premiership mùa trước là 2 trận hòa, trong đó Chelsea là đội duy nhất ghi bàn trên sân đối phương.

Hãy chịu khó lưu trữ kết quả đối đầu trực tiếp của các cặp kỳ phùng địch thủ, biết đâu bạn sẽ phát hiện vài thống kê riêng thật thú vị. Nhưng đấy cũng chỉ là những con số đơn thuần. Trong bóng đá quốc tế, ai nấy đều biết Hà Lan – Đức là một trong những cặp đấu nhiều duyên nợ, luôn hấp dẫn người xem. Vấn đề là cặp đấu này “ám ảnh” người Hà Lan nhiều hơn người Đức (chúng tôi không nói kỹ chi tiết này vì không muốn “tốn” thêm cả ngàn chữ). Do vậy, người Hà Lan luôn coi các trận giao hữu với Đức là các trận đấu “sống còn” (mục tiêu chiến thắng là trên hết) trong khi người Đức thì chưa hẳn thế (có khi chỉ cần thử nghiệm). Do vậy, Hà Lan thường thành công hơn trong các trận giao hữu, còn Đức thường thắng trong các trận chính thức.

No comments:

Post a Comment