Saturday, August 18, 2012

Công thức dự đoán bóng đá

Công thức dự đoán bóng đá


Giới chuyên môn hoặc người hâm mộ có thể rút ra rất nhiều kết luận khác nhau, dẫn đến việc nhận định kết quả khác nhau, trước cùng một thông tin. Các nhà xã hội học còn cho rằng đây chính là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến bóng đá trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh


Vậy thì, “nhà cái” sợ gì mà không cung cấp thông tin liên quan đến trận đấu cho dân cá cược, nhất là khi các công ty cá cược luôn tìm cách nhảy ra ngoài vòng dự đoán, chỉ kiếm lời quả tỷ lệ phần trăm, “nhường” cho dân cá cược trổ tài dự đoán với nhau.

Để khuyến khích mọi người tham gia, nhiều hãng cá cược đã nghiên cứu, thống kê tỷ mỉ kết quả các giải VĐQG lớn để lập ra một số công thức giúp người hâm mộ hình dung nhanh về tương quan lực lượng các đội sắp thi đấu. Các công thức này đều bảo đảm tính chính xác vì được lập trình sẵn trong máy. Tính chuyên môn của chúng cũng cao bởi người ta chỉ thống kê các trận đấu trong giai đoạn mùa bóng còn đang sôi động (không tính đến các kết quả sau tháng 3 hàng năm, bởi đấy là khoảng thời gian có thể có đội đã an bài, không quyết đấu nữa). Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các công thức phổ biến nhất, trước khi có bài kết luận chung về các công thức này.

Công thức 1: tỷ lệ điểm

Nếu chỉ nhìn vào điểm số đạt được của 2 đội trước một trận đấu cụ thể để nhận định tương quan mạnh/yếu, người ta có thể bị các con số đánh lừa trong trường hợp số trận đã đấu của hai đội không tương đồng với nhau. Còn khi đã đối chiếu số điểm với số trận tương ứng, cũng khó hình dung khác biệt giữa hai đội có số điểm và số trận khác nhau. Ví dụ đội được 49 điểm sau 20 trận mạnh hay yếu hơn đội đạt 45 điểm sau 17 trận?. Đấy là chưa kể một khác biệt nữa, hơi khó hình dung: trong số các trận đã đấu, có bao nhiêu trận sân nhà? Công thức “tỷ lệ điểm” giúp bạn giải quyết rắc rối này.

Cách tính: (A – B) x 100. Trong đó: A là số điểm đạt được trên sân nhà của đội chủ nhà chia cho số trận trên sân nhà tương ứng. B là số điểm đạt được trên sân đối phương của đội khách chia cho số trận trên sân đối phương tương ứng.

Ví dụ: tính “tỷ lệ điểm” trước trận Liverpool – Charlton. Giả sử Liverpool đã đá 10 trận sân nhà với kết quả thắng 6, hòa 2, thua 2. Charlton đã đá 9 trận trên sân đối phương với kết quả thắng 2, hòa 1, thua 6. “Tỷ lệ điểm” sẽ là: [(20/10) – (7/9)] x 100 = 123.

Kết quả cao nhất đạt được là +300, thấp nhất là –300. “Tỷ lệ điểm” càng gần với + 300 thì khả năng đội chủ nhà thắng càng cao. Không khó hình dung: đấy là kết quả thu được từ một đội luôn thắng trên sân nhà và một đội luôn thua trên sân đối phương. “Tỷ lệ điểm” càng gần –300 thì khả năng đội chủ nhà thua càng cao. “Tỷ lệ điểm” càng gần 0 thì khả năng hòa càng cao. Dĩ nhiên, “tỷ lệ điểm” dương thì đội chủ nhà trội hơn và ngược lại. Nếu luôn theo sát các giải VĐQG ở châu Âu, bạn cũng có thể cài sẵn công thức đơn giản này vào máy tính và luôn có ngay “tỷ lệ điểm” để tham khảo trước các trận đấu bất kỳ.

Công thức 2: điểm phong độ

Công thức tính “tỷ lệ điểm” mà chúng tôi đã nêu ở phần trước giúp giới hâm mộ giải tỏa khó khăn khi so sánh các đội bằng điểm số nhưng số trận đấu của các đội ấy lại không tương đồng. Tuy nhiên, công thức này có nhược điểm là không phân biệt các giai đoạn khác nhau của từng đội bóng. Trận thắng trên sân đối phương ở tuần trước hay hồi đầu mùa đều được quy ra 3 điểm như nhau. Mà ai cũng biết: đội nào cũng có lúc thăng, lúc trầm trong suốt mùa bóng. Có thể giải quyết khó khăn này bằng công thức tính “điểm phong độ”.

Sau khi đối chiếu kết quả dự đoán với kết quả thực tế từ 700 trận đấu ở các giải VĐQG quan trọng, giới nghiên cứu rút ra kết luận: 4 hoặc 6 trận gần đây là cơ sở thích hợp nhất để nhận định phong độ các đội sắp ra sân. Đấy là lý do vì sao chúng ta thường thấy mục “kết quả 6 (hoặc 4) trận gần nhất” trên các trang web khi tìm thông tin liên quan đến từng đội trước các đợt trận. Ý nghĩa của số trận chẵn (4 hoặc 6, chứ không phải 3 hoặc 5), là các đội thường có số trận trên sân nhà và sân đối phương bằng nhau trong chuỗi trận ấy. Phải xem kết quả 4 trận trở lên vì nếu chỉ xem 2 trận, chúng ta có thể bị đánh lừa bởi các bất ngờ thuần túy. Nếu xem 8 trận trở lên thì các trận cũ đã quá xa, không còn thích hợp để đưa ra nhận định về phong độ.

Sau khi có kết quả 4 hoặc 6 trận gần nhất, chúng ta cho điểm từng đội theo thang: hòa trên sân nhà (ký hiệu là HD) được 1 điểm; hòa trên sân đối phương (AD) được 2 điểm; thắng trên sân nhà (HW) được 3 điểm; thắng trên sân đối phương (AW) được 5 điểm; thua trên sân nhà (HL) hay sân đối phương (AL) đều được 0 điểm. Cộng tất cả, chúng ta có “điểm phong độ” của mỗi đội. Điểm càng cao thì khả năng thành công càng cao.

Giả sử: Aston Villa có kết quả 4 trận gần nhất là: HW, AD, HW, AL. Everton có kết quả: AW, HL, AW, HL. Theo cách tính điểm thông thường thì Aston Villa được 7 điểm (2 thắng, 1 hòa, 1 thua) trong 4 trận gần nhất, Everton được 6 điểm (2 thắng, 2 thua). Nhưng theo công thức nêu trên thì Everton được 10 điểm (2 trận thắng trên sân đối phương), Villa chỉ được 8 điểm (2 trận thắng trên sân nhà, 1 trận hòa trên sân đối phương). Chúng ta kết luận: Everton mạnh hơn.

Aáp dụng vào vòng đấu cuối tuần này, cụ thể cho trận “đinh” Charlton – Chelsea. Ai nấy đều biết: đấy là 2 đội toàn thắng từ đầu giải đến nay. Xét trong 4 vòng gần nhất, Chelsea chỉ được 14 “điểm phong độ” (3 trận thắng tại sân nhà, 1 trận thắng trên sân đối phương). Charlton được 18 “điểm phong độ” (1 trận thắng tại sân nhà, 3 trận thắng trên sân đối phương). Như vậy, nếu không bàn đến thực lực mà chỉ xét phong độ thuần túy thì xin lưu ý: Charlton hiện có phong độ tốt hơn Chelsea.

Công thức 3: Điểm sức nặng phong độ

Công thức tính “điểm phong độ” nêu trên tuy giải quyết được tình trạng đánh đồng các giai đoạn thăng trầm của từng đội, nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo câu hỏi chính: phong độ ngay thời điểm này. Ví dụ: trong chuỗi 6 trận gần nhất, đội A thắng 3 trận đầu, thua 3 trận cuối trong khi đội B thắng 3 trận cuối, thua 3 trận đầu thì kết quả thu được như nhau dù trên thực tế, ai cũng thấy B có phong độ tốt hơn A ngay thời điểm hiện tại. Cách xử lý khá đơn giản: chỉ việc nhân kết quả gần nhất với hệ số cao hơn, chúng ta được “điểm sức nặng phong độ”. Trước tiên, hãy tính “điểm phong độ” dựa vào kết quả 4 trận gần nhất như công thức nêu trên. Sau đó lấy kết quả trận gần nhất nhân với 4, trận gần thứ nhì nhân 3, trận kế tiếp nhân 2 và trận còn lại giữ nguyên. Cộng tất cả lại, chúng ta có “điểm sức nặng phong độ”. Nếu lấy kết quả 6 trận gần nhất để tham khảo thì cũng tính bằng công tức tương tự, chỉ khác ở chỗ: trận gần nhất nhân 6, trận kế tiếp nhân 5…

Kết quả thu được từ 2 công thức nêu trên luôn bảo đảm nguyên tắc: mặc kệ điểm số và thứ hạng trong suốt mùa bóng, chúng ta có thể so sánh kỹ hơn phong độ của 2 đội trong khoảng thời gian gần đây (4 hoặc 6 trận) bằng “điểm phong độ”. Yếu tố sân nhà hay sân đối phương trong chuỗi trận ấy cũng đã được tính đến. Mặt khác, ngay cả khi đạt được kết quả tương đương trong chuỗi trận gần đây thì đội có kết quả tốt trong trận gần nhất vẫn được “điểm sức nặng phong độ” cao hơn. Được mặt này thì mất mặt khác. Công thức 3 (điểm sức nặng phong độ) cho ta cái nhìn kỹ hơn về phong độ của đội bóng ngay thời điểm hiện tại, nhưng công thức 2 (điểm phong độ) lại công bằng hơn bởi chuỗi trận tính đến dài hơn, tránh trường hợp kết quả bị chi phối nặng nề bởi một đối thủ quá mạnh hay quá yếu trong trận gần nhất.

Vài công thức tham khảo trước khi dự đoán (tiếp theo)

Công thứ 4: Ưu thế hiệu số bàn thắng bại

Ai nấy đều biết, đội ghi bàn nhiều và thủng lưới ít trong các trận đấu gần nhất thường có khả năng chiến thắng cao hơn. Vấn đề là cao hơn như thế nào, và chọn bao nhiêu trận gần nhất để tham khảo là vừa.

“Ưu thế hiệu số bàn thắng bại” được tính đơn giản như sau: hiệu số bàn thắng bại của đội chủ nhà trừ đi hiệu số bàn thắng bại của đội khách, nếu là số dương thì đội chủ nhà “kèo trên”, nếu là số âm thì đội khách “kèo trên”, nếu bằng hoặc gần bằng 0 thì coi như ngang ngửa.

Ví dụ: trước trận Chelsea – Aston Villa ở vòng 7 Premiership. Kết quả 6 trận gần nhất của Chelsea là (Chelsea đứng trước): 1-0, 1-0, 4-0, 2-0, 2-0, 2-0. Kết quả 6 trận gần nhất của Villa là (Villa đứng trước) 2-2, 0-1, 1-1, 1-0, 0-4, 1-1. “Ưu thế hiệu số bàn thắng bại” của Chelsea sẽ là (12-0) – (5-9) = 16.

Kết quả khảo sát cho thấy, nếu lấy kết quả 6 trận gần nhất làm cơ sở tính toán và kết quả thu được sát với thực tế nhất. Tính trong 5 mùa bóng liên tục, tỷ lệ đội có “ưu thế hiệu số bàn thắng bại” là con số âm thua trên thực tế là 63,32%. Thật ra, đây chỉ là con số trung bình và công thức này thường không được áp dụng trong các trận đấu giữa một đội quá mạnh với một yếu, hay trong vài trường hợp đặc biệt khác. Ví dụ: không nên áp dụng công thức này với Liverpool, đội chỉ có tổng tỷ số 4 trận gần đây là 1-0. Cũng theo kết quả khảo sát, công thức “ưu thế hiệu số bàn thắng bại” phát huy tác dụng cao nhất khi áp dụng vào các đội đang cùng đứng ở khoảng giữa của bảng tổng sắp (xác suất thất bại chỉ là 14,52%).
 Ngày nay, đa số các trang web có tính chuyên môn cao khi đưa tin về các giải VĐQG quan trọng ở châu Âu đều có thêm 2 bảng thành tích để tham khảo, ngoài bảng xếp hạng tổng quát mà mọi người đã quen thuộc. Đó là bảng thành tích trên sân nhà và sân đối phương và đấy không phải là công việc vô nghĩa.

Công thức 5: Xếp hạng trên sân nhà/sân đối phương

Mùa trước, nếu chỉ tính thành tích thi đấu trên sân nhà thì West Bromwich xếp chót ở Premiership, nhưng cộng cả thành tích trên sân đối phương thì West Bromwich lại xếp trên 3 đội Crystal Palace, Norwich, Southampton. Kết luận hiển nhiên: West Bromwich trụ hạng nhờ thi đấu trên sân đối phương hay hơn các đối thủ chính của họ. Mùa này, West Bromwich thua 2 trong 3 trận trên sân nhà nhưng chỉ thua 1 trong 3 trận trên sân đối phương (và đấy là trận thua Chelsea).

Với một số trường hợp cụ thể, thi đấu trên sân nhà hay sân đối phưong là chi tiết cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn hình dung. Điển hình là đội hạng Nhì Sheffield United trong mùa bóng 1997-98. Đội này thắng 16 trong 23 trận sân nhà, đứng thứ 4 (vị trí được đá play-off để thăng hạng). Nhưng chung cuộc thì Sheffield không rớt luôn xuống bảng hạng Ba là mừng, bởi họ chỉ thắng 3 trận trên sân đối phương. Cũng trong mùa ấy, Manchester City sẽ đứng thứ 9 ở Premiership nếu chỉ tính thành tích thi đấu trên sân đối phương. Nhưng City rớt hạng vì đấy là đội có thành tích thi đấu trên sân nhà kém nhất giải.

Với City, đấy là đặc điểm hầu như không thay đổi. Mùa này, City hòa M.U tại Old Trafford và thắng 2 trận trên sân đối phương còn lại. Nhưng tại sân nhà, City chỉ thắng 1 trong 3 trận. Với Arsenal, chúng ta có điển hình ngược lại. Vì quá quen thuộc với kích thước sân Highbury (sân bóng nhỏ nhất ở giải ngoại hạng), Arsenal luôn khai thác triệt để ưu thế sân nhà. Mùa trước, Arsenal bị Chelsea bỏ xa 12 điểm và 6 bàn (trong hiệu số bàn thắng bại) trong kết quả chung cuộc. Nếu so sánh thành tích trên sân nhà thì Arsenal chỉ kém Chelsea 3 điểm và hơn 6 bàn (trong hiệu số bàn thắng bại).

Đấy là lý do vì sao giới hâm mộ nên chuẩn bị sẵn 2 bảng thành tích sân nhà/sân đối phương của các đội liên quan trước khi dự đoán.

Công thức 6: Tỷ số chuyên môn

Người hâm mộ bóng đá nào cũng biết rõ một điều: đôi khi đội chơi hay hơn không phải là đội thắng. Bạn áp đảo trong suốt trận nhưng liên tục sút dội cột, bật xà. Đối phương may mắn ghi bàn và thắng 1-0, nhưng tất cả thừa nhận: bạn mạnh hơn, chơi hay hơn. Bóng đá là vậy. Vấn đề là ở chỗ: thị trường cá cược vẫn xếp bạn vào “kèo trên” nếu bạn gặp lại đối thủ vừa may mắn thắng mình. Tương tự, một đội chỉ thắng 1-0 có thể phải thắng 3-0 hoặc 4-0, nghĩa là mạnh hơn rất nhiều so với đội mà họ vừa thắng 1 bàn. Thế thì, lấy gì để khẳng định đâu là đội mạnh hơn, hoặc đội mạnh hơn rất nhiều lần, bất chấp tỷ số là như thế nào?

Nếu là người hâm mộ trung thành của Serie A hoặc Premiership, bạn sẽ dễ dàng khẳng định Juventus mạnh hơn Empoli, Arsenal mạnh hơn Wigan, bất kể kết quả đối đầu gần nhất giữa các đội ấy. Nhưng nếu dự đoán một trận ở cúp UEFA - nơi có 80 đội đang tranh tài ở vòng 1 và có rất nhiều đội bóng “lạ”, bạn đành bó tay! Tương tự, bạn khó so sánh 2 CLB Thụy Sĩ nếu không thường xuyên theo dõi các đội ấy.

Để biết rõ hơn sức mạnh thật sự của các đội bóng, tránh bị “đánh lừa” bởi các kết quả đầy may rủi, chúng ta có thể nhìn vào thống kê chuyên môn, có đầy trên internet, sách báo hoặc truyền hình. Bạn chỉ phải thu thập số liệu rồi tính theo công thức mà không phải băn khoăn vì sao có công thức ấy (đã có giới nghiên cứu tính hộ trong vấn đề này).

Công thức: bàn thắng trong “tỷ số chuyên môn” bằng (số lần sút đúng hướng khung thành x 2) + số lần sút chệch mục tiêu + số lần được hưởng phạt góc, tất cả chia 10. Đội thắng trên thực tế được cộng thêm 1 bàn thắng (coi như điểm thưởng). Kết quả cuối cùng được dùng như một “tỷ số chuyên môn”, đưa vào bảng xếp hạng tham khảo bên cạnh bảng xếp hạng thực tế đã được biết đến.

Ví dụ: Bristol Rovers thắng Luton Town 3-2. Bạn không biết nhiều về các đội này nên đành dò tìm thống kê chuyên môn liên quan đến trận đấu đã diễn ra và thu được số liệu: phạt góc 8-7 (Bristol trước), sút đúng hướng 11-7, sút chệch hướng 7-3. Bạn sẽ tính ra bàn thắng trong “điểm chuyên môn” của Bristol là [(11x2) + 7 + 8]/10 = 3,7 (làm tròn thành 4). Bàn thắng trong “điểm chuyên môn” của Luton là [(7x2) + 3 + 7]10 = 2,4 (làm tròn thành 2). Do Bristol thắng trên thực tế nên được cộng thêm 1 bàn (điểm thưởng). Kết quả cuối cùng: Bristol thắng Luton 5-2 trong “tỷ số chuyên môn”. Với công thức tương tự, ta có tỷ số “tỷ số chuyên môn” từ mọi tỷ số thực tương ứng. Các “tỷ số chuyên môn” này được đưa vào bảng xếp hạng riêng (tạm gọi là “bảng xếp hạng chuyên môn”), có giá trị tham khảo bên cạnh bảng xếp hạng chính thống. Vị thứ các đội trong bảng xếp hạng thực và “bảng xếp hạng chuyên môn” có thể khác biệt và đây chính là tác dụng quan trong nhất. Bạn hãy lưu ý những khác biệt ấy và tự rút ra kết luận.

Công thức 7: Tỷ số chuyên môn trên sân nhà/sân đối phương

Như đã nêu ở phần trước: kết quả thi đấu trên sân nhà và sân đối phương của một đội bóng cụ thể có ý nghĩa khác hẳn nhau. Một đội thường chơi hay trên sân đối phương, như Manchester City, chưa chắc sẽ chơi hay trên sân nhà, và đấy là lý do vì sao chúng ta cần có 2 bảng xếp hạng riêng biệt (bảng xếp hạng trên sân nhà/sân đối phương) để tham khảo trước khi dự đoán. Đấy cũng là cơ sở dẫn đến công thức này. Đã có các “tỷ số chuyên môn” (có thể khác với tỷ số thực) tính từ số liệu chuyên môn của các trận đã diễn ra, chúng ta xếp riêng vào các bảng sân nhà/sân đối phương của từng đội bóng.

Ví dụ: cũng từ trận Bristol Rovers thắng Luton Town 3-2 nêu trên, chúng ta tính được “tỷ số chuyên môn” là 5-2 nghiêng về Bristol. Kết quả này sẽ chỉ có giá trị đối với các trận sân nhà của Bristol và các trận trên sân đối phương của Luton. Sau đó, chúng ta thống kê 4 (hoặc 6) trận gần nhất của từng đội bóng và có cái nhìn sơ bộ về tương quan lực lượng trước mỗi trận đấu cụ thể, theo công thức: số điểm trên sân nhà của đội chủ nhà – số điểm trên sân đối phương của đội khách. Kết quả dương cho thấy chủ nhà mạnh hơn, kết quả âm cho thấy đội khách mạnh hơn, kết quả bằng hoặc gần bằng không thì trận đấu cân bằng.

Chúng tôi vừa giới thiệu 7 công thức tham khảo trước khi dự đoán. Đấy là những công thức đơn giản nhất trong hàng chục công thức đang được các hãng cá cược lớn trên thế giới sử dụng. Giống như dân nghiền cá ngựa, giới hâm mộ bóng đá thích chơi dự đoán thường tự lưu trữ kết quả, thống kê chuyên môn và soạn chương trình trong máy tính cá nhân. Khi cần, chỉ việc gõ vài phím là có thể biết đội nào mạnh trên sân đối phương, yếu trên sân nhà, đội nào đang có phong độ tốt, đội nào giỏi ghi bàn nhưng chuyên thua ngược… Dĩ nhiên tất cả chỉ là lý thuyết. Trong phần tới, chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về kết quả thực tế để thấy rõ công thức nào có giá trị cao nhất trong trường hợp nào.


Vậy ta nên chọn công thức nào?

Trong những kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 7 công thức tham khảo trước khi dự đoán kết quả bóng đá (các công thức tính “tỷ lệ điểm”; “điểm phong độ”, “sức nặng phong độ”, “ưu thế hiệu số bàn thắng bại”, “bảng thành tích sân nhà/sân đối phương”; “tỷ số chuyên môn”; “tỷ số chuyên môn trên sân nhà/sân đối phương”). Xin nhắc lại: đấy chỉ là các công thức dễ tính, dễ hiểu nhất trong rất nhiều công thức đang được các công ty cá cược thể thao áp dụng.

Đối chiếu với kết quả của 5 giải VĐQG lớn ở châu Âu trong 5 mùa bóng (1997-2002), người ta rút ra kết luận: công thức tính “tỷ số chuyên môn” (đánh giá sức mạnh của đội bóng theo số lần sút cầu môn và hưởng phạt góc) cho tỷ lệ đoán đúng cao nhất (66,77% đúng trong trường hợp đoán đội chủ nhà thắng; 46,96% đúng trong trường hợp đoán đội khách thắng). Tuy nhiên, công thức này không phát huy tác dụng trong trường hợp đoán kết quả hòa (tỷ lệ đoán đúng chỉ là 29,13%). Với các tỷ số hòa, công thức “lập bảng thành tích trên sân nhà/sân đối phương” cho kết quả tốt nhất (31,67% đúng). Đây cũng là công thức cho tỷ lệ đoán đúng cao thứ nhì trong các trận đấu mà đội khách thắng (45,77%), chỉ đứng sau công thức “tỷ số chuyên môn”.

Công thức tính “điểm phong độ” (theo thang hòa trên sân nhà được 1 điểm, sân đối phương 2 điểm, thắng trên sân nhà 3 điểm, sân đối phương 5 điểm, thua 0 điểm) cho tỷ lệ chính xác cao thứ nhì trong cả 2 trường hợp: hòa (29,37%) và chủ nhà thắng (64,37%).

Cần diễn giải thêm một tí: có đến 3 trường hợp xảy ra trong hình thức cá đơn (chủ nhà thắng, hòa, đội khách thắng). Điều này có nghĩa tỷ lệ đoán đúng 45,77% là trên trung bình chứ không phải dưới trung bình, bởi xác suất trung bình cho mỗi khả năng xảy ra chỉ là 33,33% (hay 100% chia 3). Nói cách khác, nếu đoán 3 lần mà đúng 1 lần thì bạn đạt được tỷ lệ trung bình. Đấy cũng chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, giới nghiên cứu còn chỉ ra rằng xác suất hòa của một trận đấu giữa 2 đội hoàn toàn ngang ngửa là thấp hơn 33,33% bởi nó tùy thuộc vào khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Một ví dụ nhỏ: trận đấu có số bàn thắng lẻ (ngẫu nhiên) thì không bao giờ hòa. Trên thực tế, khi 2 đội hoàn toàn ngang ngửa gặp nhau thì xác suất hòa chỉ là 25%, xác suất thắng dành cho mỗi đội là 37,5%.

Còn có một công thức nữa mà chúng tôi không giới thiệu. Đó là công thức đánh giá sức mạnh của một đội bóng dựa vào một dãy kết quả giống nhau. Ví dụ: đội A đã thắng liên tiếp 5 trận gần đây, đội B đã hòa 6 trận liên tiếp (như Inter Milan mùa trước, hòa 10 trong 12 trận đầu tiên ở Serie A). Vấn đề đặt ra là kết quả sắp tới có liên quan gì đến dãy kết quả vừa qua hay không. Một vài ý kiến cho rằng có ảnh hưởng (một đội đã thắng 5 trận liên tiếp sẽ bước vào trận thứ 6 với tinh thần, lối chơi của một đội đang hướng tới chiến thắng). Nhưng lập luận này không có cơ sở thuyết phục. Số đông cho rằng sự trùng hợp ngẫu nhiên của chuỗi kết quả vừa qua không liên quan gì đến kết quả sắp tới, bởi ngoài các phân tích chuyên môn thì việc dự đoán kết quả thể thao thực chất chỉ là trò chơi xác suất. Trong trò chơi này, giới cá cược thuộc lòng châm ngôn “đồng xu không biết nhớ”.

Nói một cách dễ hình dung: nếu tung đồng xu và mặt A ngửa lên, mặt B úp xuống trong 10 lần liên tiếp thì ở lần thứ 11, xác suất để mỗi mặt ngửa lên cũng vẫn là 50%, không hơn mà cũng chẳng kém. Vấn đề của người chơi dự đoán chỉ là làm sao xác định cho chuẩn đâu là sự trùng hợp ngẫu nhiên (tránh nhầm lẫn với một vấn đề quan trọng khác là kết quả đối đầu trực tiếp, vấn đề này đôi khi có ảnh hưởng rõ rệt đến trận đấu sắp tới).

No comments:

Post a Comment